Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Mẹo gói bánh chưng ngon



Lá dong:
Chọn loại lá bánh tẻ (không quá già hoặc quá non) thì mới dễ gói và cho bánh màu xanh đẹp, khổ lá rộng vừa phải, mỗi bánh chọn 4 chiếc lá. Truớc khi gói bánh, cần ngâm lá vào một chiếc chậu to chừng 30-45 phút, sau đó dùng khăn mềm để cọ rửa cả hai mặt lá cho sạch. Lá rửa xong rồi, dựng lên cho ráo nước. Sau đó dùng khăn khô và sạch lau lá cho thật khô, dùng dao sắc cắt bớt gân lá cho lá mềm, dễ gói, rồi mới bắt đầu gói bánh.
Muốn bánh chưng giữ được lâu thì khâu rửa lá là rất quan trọng. Thông thường bánh hay bị vữa, mốc là do vi khuẩn từ lá xâm nhập vào. 


Lạt: Lạt gói bánh chưng là loại lạt dang, mỏng, mềm và dẻo dai. Mỗi một chiếc bánh cần khoảng 2-4 chiếc lạt tuỳ bạn muốn buộc hình chữ thập (2 lạt) hay hình vuông (4 lạt) trên bánh.


Gạo nếp:
Bạn hãy chọn loại nếp có hạt đều, mẩy ngon nhất là loại nếp cái hoa vàng, vừa thơm vừa dẻo. Loại gạo nếp nương của Điện Biên cũng rất thơm ngon. Gạo phải ngâm ít nhất là 8 tiếng rồi mới đãi sạch sạn, để cho ráo nước, rồi mới gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo, tuỳ độ to nhỏ mà bạn thích.


Để bánh chưng được xanh, có thể dùng lá riềng (hay lá dứa), giã rồi vắt lấy nước, trộn chung với gạo, như thế bánh sẽ có màu xanh tự nhiên. Xóc gạo với một chút muối, để khoảng 30 phút sau thì có thể gói được.

Nhân bánh: 
Nhân bánh chưng thường là thịt heo, hành, đậu xanh và tiêu đen xay. Thịt heo chọn loại thịt 3 chỉ hoặc thịt vai sấn thì mới ngon, không nên chọn thịt nạc, vì thịt nạc sẽ xác và không thơm bánh. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5-7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp. Ướp thịt với chút muối tiêu cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh. 
Hành làm sạch, giã thật nhuyễn, nên dùng cả bã.
Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, đồ chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Tỷ lệ thông thường là "8 gạo : 2 đỗ". Loại đỗ này bạn có thể mua tại các chợ quê với giá 20- 21.000 đ/kg.


Gói bánh:
Một chiếc bánh chưng nên gói khoảng 600g gạo nếp (khoảng 2 chén) là vừa khéo. Trải mặt sau lá dong (để bánh có màu xanh) vào khuôn làm bánh, hoặc trên một mặt phẳng rồi dùng chén múc gạo nếp đổ vào trong khuôn, cứ một lớp gạo là một lớp đậu, thịt (tùy theo sở thích mà cho nhân nhiều hay ít). Gói bánh thật chặt, cột lại bằng dây lạt (loại lạt được chẻ từ cây giang, hoặc cây vầu rất dai và chắc).
Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo. Nếu gói lỏng tay khi nấu bánh sẽ méo mó và nhão.


Luộc bánh:
Bánh gói xong xếp vào một chiếc nồi lớn, nên lót đáy nồi bằng một ít lá nhỏ, cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chắc, đổ ngập nước và bắt đầu luộc. Nên thả bánh vào nồi rồi mới đổ ngập nước lạnh vào. Trong quá trình luộc bánh, phải giữ ngọn lửa lớn để bánh được rền (sôi) nhừ.
Khi châm nước thêm vào nồi, phải dùng nước sôi, tuyệt đối không dùng nước lạnh. Thời gian luộc bánh phải từ 10 – 14 giờ bánh mới thấm đủ nước và chín đều.


Bảo quản bánh:
Bánh chín vớt ra, rửa sạch, để ráo, rải bánh trên nia (làm bằng tre) rồi dùng mâm hay vật nặng ép bánh cho vuông đều. Mục đích ép để bánh ráo hết nước, rền và ngon, để lâu không bị mốc.
Theo Phụ nữ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét