Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Món ăn chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu


Y học cổ truyền gọi chứng suy nhược cơ thể là chứng hư lao, do lao động nặng trong thời gian dài, ăn uống kém chất dinh dưỡng, do mắc bệnh cấp tính nặng nay đang bình phục, phụ nữ sau sinh nở và thời kỳ cho con bú,... Suy nhược cơ thể khiến cơ thể luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, giảm trí nhớ, hồi hộp, tim đập mạnh, khó ngủ, làm việc kém hiệu quả...



Gà trống hầm quy, sâm: Gà trống non 1 con khoảng 7-8 lạng, quy thân 10g, đẳng sâm 15g, thục địa 15g, kỷ tử 10g, hạt sen 20g, ngải cứu 20g, gừng, hành, gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, 1 tuần ăn 2 lần, ăn trong 4 tuần liền. Món này bổ dưỡng phù hợp cho các bà đẻ.

Gà mái tơ hầm quy sâm: Dùng một con gà mái tơ (chừng 1,5 kg), 15g vị thuốc đương quy, 30g đẳng sâm. Gà làm sạch bỏ hết nội tạng, sau đó cho đương quy, đẳng sâm, hành, gừng vào trong bụng con gà, cột lại rồi đem ninh với lửa nhỏ cho đến nhừ, đem ăn.

Gà hầm hoàng kỳ: Thịt gà 100 g, sinh hoàng kỳ 20 g, đương quy 10 g, đẳng sâm 20 g, gừng tươi 15 g, đại táo 10 quả. Thịt gà chặt miếng, gừng giã nát, các vị thuốc rửa sạch, tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa chừng 2 giờ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Trong bài, hoàng kỳ là vị thuốc chính có công dụng đại bổ tỳ khí và phế khí, đương quy bổ huyết, hai vị phối hợp với nhau giúp cho khí và huyết đều được phục hồi, thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào máu. Dùng cho người thiếu máu thuộc thể khí huyết lưỡng hư (đầu choáng mắt hoa, tiếng nói nhỏ yếu, khó thở, dễ hồi hộp, hay chảy máu cam và chân răng, sắc mặt và niêm mạc nhợt nhạt).

Gà ác hầm đông trùng hạ thảo: Thịt gà ác 100g, đông trùng hạ thảo 10g, hoài sơn 30g, gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, chia ăn vài lần trong ngày. Ăn trong 1 tuần

Nhung hươu hầm thịt gà: Nhung hươu 5g, thịt gà 100g, gừng tươi 10g. Ninh kỹ thịt gà và gừng trong 60 phút, cho nhung hươu vào đun tiếp trong 120 phút, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần.
Món này dùng cho người thiếu máu thuộc thể tỳ thận dương hư, biểu hiện: sợ lạnh, tay chân lạnh, gân cốt suy yếu, lưng đau gối mỏi, tiểu đêm nhiều lần, di tinh, hoạt tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, khó thụ thai, mệt mỏi, đầu nặng mắt hoa, tai ù, sắc mặt nhợt nhạt, có thể có phù nhẹ chi dưới, đại tiện lỏng loãng… Trong bài, nhung hươu giúp ôn thận tráng dương, ích tinh tủy, bổ khí huyết; thịt gà bổ tinh dưỡng huyết. Hai vị phối hợp với nhau có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu rất tốt. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh nhung hươu có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu và gia tăng lượng huyết sắc tố.

Thịt gà tam thất: Tam thất 10g, thịt gà 150g, gừng tươi 10g. Thịt gà làm sạch chặt miếng nhỏ, tam thất thái phiến mỏng, gừng giã nát. Tất cả cho vào bát, chế đủ nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thủy trong 2 giờ, nêm đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Món ăn này có công dụng hoạt huyết, dưỡng huyết, cầm máu, dùng cho người bị thiếu máu thuộc thể khí trệ huyết ứ, biểu hiện: sắc mặt xám nhợt, hay bị xuất huyết dưới da, dễ chảy máu chân răng, chảy máu cam, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thống kinh, kinh sắc tối và có máu cục, lưỡi có những điểm tím, toàn trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.

Cháo gan gà: Gan gà 2 bộ, gạo 50g, dầu thực vật, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Gan gà băm nhỏ, ướp bột gia vị, xào bằng dầu thực vật cho chín. Gạo xay thành bột cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, quấy đều đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho gan gà vào đảo đều, cháo sôi lại cho bột ngọt vào là được. Cho trẻ ăn ngày 2 lần lúc đói. Cần ăn liền 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại cho ăn tiếp 10 ngày.

Cháo tiết gà: Tiết của 1 con gà, gạo 50g, dầu thực vật, bột ngọt, bột gia vị  vừa đủ. Tiết gà cắt thành miếng nhỏ, ướp bột gia vị, xào bằng dầu thực vật cho chín. Gạo xay thành bột, đổ nước vừa đủ, khuấy đều trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho tiết gà, bột ngọt vào là được. Cho trẻ ăn ngày 2 lần lúc đói. Ăn liền 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại ăn tiếp 10 ngày.

Canh nấm đầu khỉ, thịt gà: Thịt gà 300g, nấm đầu khỉ 100g. Thịt gà thái thành miếng, nấm đầu khỉ rửa sạch cắt miếng mỏng, nấu thành canh, cho gia vị vào là ăn được, ăn liên tục trong mấy ngày. Thịt gà có hàm lượng protein phong phú, cơ thể dễ hấp thu. Nấm đầu khỉ có chứa nhiều axit amin và vitamin, nhiều hoạt chất sinh học có thể trị chứng rối loạn thần kinh chức năng, cơ thể suy nhược.

Táo đỏ, câu kỷ tử nấu trứng gà: Táo đỏ 7 quả, câu kỷ tử 20g, trứng gà 2 quả. Cùng nấu 3 nguyên liệu trên với nhau, khi trứng chín bỏ vỏ rồi đun thêm một lúc, ăn trứng uống canh, ăn liên tục. Tác dụng kiện não ích khí, thích hợp với người bị mất ngủ, hay quên do suy nhược thần kinh.

Trứng gà ngâm mật ong: là loại thực phẩm quý và rất bổ dưỡng. Trong Đông y, lòng đỏ trứng còn là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả nhất. Có thể ăn 1-2 lòng đỏ trứng đánh với khoảng 10-20ml mật ong vào buổi sáng, khoảng 2 lần/ tuần. Là một món ăn tốt đối với những người bị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, lao phổi, hay bị tụt huyết áp, suy nhược cơ thể, mệt mỏi. Vì vậy những ai mệt mỏi hay suy nhược cơ thể và bị ho đều dùng được. Ngoài tác dụng bổ dưỡng cho sức khỏe, trứng gà ngâm mật ong còn rất tốt cho da. Tuy nhiên vì trứng sống thường có Salmonella nên có thể gây bệnh cho người sử dụng.   Do đó, tốt nhất là đập trứng lấy lòng đỏ rồi đổ mật ong lên, đậy kín để qua đêm là có thể ăn được.

Trứng gà hà thủ ô: Trứng gà 2 quả, hà thủ ô 50 g, đun nhỏ lửa trong 30 phút. Bóc bỏ vỏ trứng rồi đun tiếp khoảng 60-90 phút là được, chế thêm đường đỏ, ăn trứng uống nước trong ngày. Món ăn này tốt cho người thiếu máu thuộc thể can thận hư, biểu hiện: đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lưng đau gối mỏi, giấc ngủ không sâu nhiều mộng mị, di mộng tinh, tiểu đêm nhiều lần, trí nhớ giảm sút, đại tiện táo kết hoặc khó đi. Trong bài, hà thủ ô bổ gan thận, tăng tinh dưỡng huyết; trứng gà bổ huyết.


HEO

Ngó sen hầm xương ống: Xương ống chân lợn 300 – 500g, ngó sen 150g, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Xương ống chân lợn đập dập cho vào nồi thêm 500ml nước ninh cho thật nhừ, lọc lấy thịt và chắt lấy 300ml nước ngọt. Ngó sen rửa sạch nạo thành sợi nhỏ, cho vào nước xương đun sôi kỹ, trước khi ăn cho bột ngọt, bột gia vị vào quấy đều. Chia làm 2 lần ăn trong ngày lúc đói, có thể ăn với cơm. Cần ăn liền 15 – 20 ngày.

Chân giò hầm: Râu ngô hoặc bắp ngô non 30g, móng giò lợn 1 cái, gừng 5g, hành và gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào nồi ninh nhừ. Cách ngày ăn 1 lần, ăn trong 3 tuần liền.

Canh hạt sen, tim lợn: Hạt sen 40g, tim lợn 1 quả, bá tử nhân 20g, gia vị vừa đủ. Rửa sạch tim lợn, thái thành miếng cùng với hạt sen, bá tử nhân cho vào trong nồi cho 1 lít nước vào nấu, đợi khi hạt sen chín nhừ thì cho gia vị, quấy đều để ăn. Tác dụng dưỡng tâm an thần, ích khí định tĩnh. Thích hợp cho chứng suy nhược tâm khí, tâm thần bất an, suy nhược thần kinh, mất ngủ, ra mồ hôi…

Canh thịt nấu sâm: Hoàng mân 15g, đẳng sâm 10g, thịt nạc 100g. Thịt thái nhỏ, tất cả cho vào nồi nấu 1 giờ, ăn cái uống canh. Món ăn này bồi bổ khí huyết rất tốt.

Canh gan và rau chân vịt: Dùng 150g gan heo, 300g rau chân vịt. Rau rửa sạch, thái đoạn, gan thái mỏng. Nấu nước khi nước sôi thì cho gừng, muối, và gan cùng rau vào nấu đến chín để dùng.

Cháo gan heo: Gan lợn 100 g, vỏ lụa hạt lạc 50 g, gạo nếp 50 g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Ninh gạo nếp và vỏ lạc thành cháo, cho gan lợn và gừng vào đun chừng 10 phút, nêm gia vị, ăn nóng vài lần trong ngày. Trong món ăn trên, gan lợn có công năng bổ gan, dưỡng huyết, vỏ lạc tốt cho dạ dày và phổi, lại có tính bổ máu; gạo nếp, gừng tươi nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa và tạo cảm giác ngon miệng. Loại cháo này rất thích hợp cho trường hợp thiếu máu thuộc thể huyết hư (mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt nhiều, sắc mặt, môi, móng tay và lưỡi trắng nhợt, hay hồi hộp tức ngực, kinh nguyệt lượng ít sắc nhạt hoặc bế kinh).

Gan heo nấu mộc nhĩ: Mộc nhĩ đen 10g, gan heo 50g, muối, dầu vừa đủ. Mộc nhĩ  rửa sạch, xắt miếng nhỏ rồi cho vào nước nấu. Sau đó, cho gan heo vào nấu cho đến chín, thêm hành, nêm nếm vừa ăn.

Mộc nhĩ đen hấp: Mộc nhĩ đen 15g, táo tàu 15 quả, thịt lợn nạc 50g, đường trắng 10g. Mộc nhĩ đen ngâm nước nóng, rửa sạch thái thật nhỏ, táo tàu bỏ hạt thái nhỏ, thịt lợn nạc rửa sạch băm nhỏ, tất cả cho vào bát trộn đều với đường trắng, đem hấp cách thủy. Khi thịt chín cho trẻ ăn ngày 1 lần. Cần ăn liền 10 – 15 ngày.

Cháo nếp, bao tử heo: Bao tử heo nửa cái, gạo nếp đỏ 100g, rượu vàng, gừng, hành. Bao tử heo làm sạch, rồi cùng gạo nếp đỏ cho vào nồi, dùng nước vừa đủ để nấu cháo, khi cháo nhừ cho thêm ít rượu, gừng, hành là được.

Cháo gan heo, ngũ hương: Ngũ hương 50, gan heo 100g, gạo nếp đỏ (nếp cẩm) 100g. Gan heo thái nhỏ, trộn một ít xì dầu, muối, gia vị. Gạo vo sạch cho vào nồi nấu cháo, khi cháo nhừ cho gan heo vào, quậy đều, đun sôi là được. Ngày ăn 1 lần thay cơm.


CHIM

Cút hầm sâm: Chim cút 1 con, cắt cánh 15g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, đại táo 7 quả, gừng, hành, rượu, gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, cách ngày ăn 1 lần, trong 4 tuần liền. Chữa viêm phế quản mạn, hen phế quản.

Chim cút hầm: Chim cút 2 con, hoàng kỳ 50g, đảng sâm 50g, hoài sơn 50g. Chim cút làm sạch lông, bỏ ruột, cho vào nồi cùng hoàng kỳ, đảng sâm, hoài sơn đổ vừa nước, hầm  nhừ, gia vị vừa ăn.

Cháo cút: Chim cút 5 con, gạo nếp 150g, hành hoa 20g, vừng đen 50g. Chim cút sào qua rồi nấu cháo gạo nếp với vừng đen, hành hoa trong 1 tiếng. Ngày ăn 1 lần, ăn liền 7 ngày. Món ăn này làm cho thân thể khỏe mạnh, chống rét, điều hòa khí huyết.

Bồ câu hấp: Chim bồ câu 2 con, đông trùng hạ thảo 15g, hoài sơn 15g , long nhãn 10g, mộc nhĩ trắng 10g, hạt sen 15g, phòng đảng sâm 30g, đương quy 40g một ít gừng và đường phèn. Cách làm: chim bồ câu chọn con mới biết bay, bỏ nội tạng, làm sạch lông để ráo nước. cho phòng đảng sâm, đương quy, bột gia vị vào bụng chim khâu kín. Hạt sen cho vào nồi luộc qua, dùng đũa khuấy nhanh, bóc bỏ vỏ ngoài. Mộc nhĩ trắng ngâm trong nước ấm, rửa sạch. Hạt sen và chim cho vào bát hấp, trên rắc một lớp gừng rồi cho tiếp đông trùng hạ thảo, hoài sơn, long nhãn, mộc nhĩ trắng và đường phèn vào. Đổ nước sôi vào gần đầy bát thì đậy lại, cho bát vào nồi nước sôi hầm cách thủy trong 3 giờ là dùng được. Dùng trong 1 tuần. Hay cách 2 ngày ăn 1 ngày, ăn khoảng từ 5 – 10 con.



Gân bò hầm: Lấy 50g gân bò, 50g kê huyết đẳng, 12g cao bổ xương. Tất cả rửa sạch cho vào nồi nước nấu liên tục trong 1 tiếng đồng hồ để lấy nước dùng.



Dê nấu gừng & đậu phụ: Thịt dê 100g, gừng tươi 15g, đậu phụ 2 bìa. Gừng tươi thái nhỏ, thịt dê xào qua, sau đó cho gừng và thịt dê nấu chín với mắm muối vừa phải. Tiếp đó cho đậu phụ nấu tiếp 15 phút. Ăn cái uống nước. Ngày ăn 1 lần, ăn liền 7 ngày.

Cháo dê nấu táo đỏ: Dùng 2 cái xương ống chân dê, 20 trái táo đỏ, một lượng gạo nếp vừa đủ. Đập nát xương dê cho cùng táo đỏ và gạo nếp vào nấu cháo loãng, mỗi ngày ăn 2-3 lần như thế, ăn nửa tháng là 1 đợt.

Canh gan và rau chân vịt: Dùng 150g gan heo, 300g rau chân vịt. Rau rửa sạch, thái đoạn, gan thái mỏng. Nấu nước khi nước sôi thì cho gừng, muối, và gan cùng rau vào nấu đến chín để dùng.

Cháo xương ống chân dê: Xương ống chân dê 2 cái (chân trước), táo tàu 10g, gạo tẻ 50g, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Xương ống chân dê làm sạch đập dập, cho vào nồi, đổ nước ninh thật kỹ, chắt lấy nước ngọt và phần thịt mềm. Táo tàu bỏ hạt giã nhỏ, gạo xay thành bột, tất cả cho vào nước xương ống chân dê, quấy đều đun trên lửa nhỏ. Cháo chín cho bột ngọt, bột gia vị quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói, cần ăn liền 10 15 ngày.

Thịt dê nấu quy, địa: Đương quy 15g, sinh địa hoàng 15g, gừng khô 10g, thịt dê 250g, nước tương, muối, đường, men rượu làm gia vị. Thịt dê rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi trộn đều với các thứ kê ở trên, nước vừa đủ, đun sôi rồi nhỏ lửa hầm nhừ, cho mì chính là được. Ngày ăn 1 lần, với cơm.


KHÁC

Cá chép hấp: Cá chép 1 con khoảng 8 lạng . Cá chép làm sạch rồi ướp tỏi đã giã nhỏ, cho mắm muối vừa đủ rồi hấp cách thủy. 2 ngày ăn 1 lần, ăn trong 2 tuần. Món này rất bổ đối với người suy nhược, tinh thần suy sụp.

Nhộng xào: Nhộng 50g sào với dầu vừng. Ngày ăn 1 lần, ăn liền 7 ngày sẽ giúp cơ thể cường tráng, khí huyết sung mãn.

Canh lươn: Dùng nửa kg lươn, làm sạch rồi đem nấu với 100g vị thuốc hoàng kỳ, nêm nếm gia vị vừa dùng; dùng tiết heo và rau chân vịt mỗi thứ 250g đem nấu canh để ăn.

Cháo lươn: Lươn 200g, gạo 50g, gừng 5g, dầu thực vật, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Lươn làm sạch bỏ nội tạng, bỏ đầu từ mắt trở lên, bỏ đuôi từ hậu môn xuống. Cho lươn vào bát to, hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt nạc. Gừng giã nhỏ lọc lấy 1 thìa canh nước cùng bột gia vị cho vào thịt lươn trộn đều, dùng dầu thực vật xào cho khô. Xương lợn giã nhỏ lọc lấy nước ngọt. Gạo xay thành bột cho vào nước lọc xương lươn đun trên lửa nhỏ, cháo chín cho thịt lươn, bột ngọt  vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói. Cần ăn khoảng 15 – 20 ngày.

Ba ba hấp: Ba ba 1 con (250 – 300g), củ mài 30g, long nhãn 15g, bột gia vị vừa đủ. Ba ba sống dội nước sôi để ba ba bài hết nước tiểu, mổ bụng, bỏ hết nội tạng rửa sạch, củ mài thái nhỏ, long nhãn, bột gia vị cùng cho vào bụng ba ba đem hấp cách thủy. Khi ba ba chín, chia 2 lần cho trẻ ăn trong ngày. Cách 3 ngày ăn 1 ngày. Cần ăn liền 3 – 5 lần.


NƯỚC UỐNG:

Táo tàu nấu sâm: Táo tầu 10g, đẳng sâm 20g. Cho vào nồi nấu 1 giờ uống thay nước hàng ngày. Những người tỳ vị hư hàn, chán ăn, tứ chi vô lực uống nước này rất tốt.

Linh chi mật ong: Bạn có thể dùng linh chi 10g, nhân sâm 10g, tam thất 10g, tán bột trộn với mật ong rừng, ngày uống 3 lần mỗi lần 1 thìa pha với nước sôi. Những người cơ thể suy nhược, chán ăn, tiêu hóa không tốt nên uống loại nước này.

Chè đậu xanh với Mộc nhĩ & táo: Lấy 20g mộc nhĩ đen (nấm mèo đen), 10 trái hồng táo, cùng một ít đường đỏ đem nấu chung để dùng; dùng 50g táo đỏ, 50g đậu xanh đem nấu chung, rồi cho đường đỏ vào. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn liền 15 ngày trong 1 đợt; Lấy 9g cùi long nhãn, 15g lạc nhân (còn cả vỏ đỏ bên ngoài) cùng một lượng nước vừa đủ đem nấu ăn.

Bột quấy tổng hợp: Bột tổng hợp chữa suy nhược cơ thể, kém ăn. Bột gạo tẻ 40 phần, gạo nếp 15 phần, bột đậu đỏ 10 phần, bột đậu đen 10 phần, bột đậu xanh 10 phần, vừng hạt 10 phần, bột hạt sen 5 phần. Tất cả trộn đều, mỗi thìa bột pha với 250ml nước, nấu chín. Ăn ngày 1 lần.

Dâu tươi ngào đường: Quả dâu tươi 1kg, đường trắng 1kg. Quả dâu rửa sạch, để ráo nước. Cho vào nồi, cho thêm 1,5 lít nước đun sôi trong 30 phút. Cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi cho đường vào. Đun nhỏ lửa, khuấy liên tục cho tới khi tạo thành khối dẻo. Mỗi ngày ăn 2 lần sáng tối, mỗi lần 30g (2 thìa).

Long nhãn nấu quy: Long nhãn 15g, đương quy 15g, thịt gà 250g, khởi tử 15g, nhục thu dung 15g. Đun cách thủy 1 giờ, ăn liền 7 ngày, mỗi ngày 1 lần. Những người suy nhược thể lực yếu món ăn này rất tốt.

Trà đảng sâm, táo tàu: Đảng sâm 10g, táo tàu 10 trái. Đảng sâm và táo rửa sạch, nấu kỹ, gạn lấy nước uống thay trà. Có thể uống thường xuyên.

Canh mộc nhĩ đen, táo tàu: Mộc nhĩ (nấm mèo) đen 30g, táo tàu 30 quả, đường đỏ vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước 30 phút, cùng cho vào nồi với táo tàu, nấu nhừ rồi cho đường vào quậy đều là được. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 10 ngày.

Lưu ý:
  • Nếu bị bệnh dạ dày, KHÔNG NÊN uống thuốc trị bệnh cùng lúc với THUỐC BỔ MÁU & BỔ SẮT. Thuốc bổ máu KHÔNG ĐƯỢC uống cùng với thuốc tetracylin, sẽ gây cản trở cho việc hấp thụ. Có một số thuốc gây ức chế cho việc bổ máu như: Cloromixin, cimetidine... trong thời kỳ điều trị thiếu máu.
  • Ngoài ra, những thức ăn có tính chất kiềm: Thức ăn kiềm tính (như các loại mì...) tạo môi trường kiềm trong cơ thể, gây bất lợi cho sự hấp thụ chất sắt.
  • Thức ăn chiên: Quá trình chiên phần nào phá huỷ dinh dưỡng trong thức ăn, ảnh hưởng đến sự hấp thụ.
  • Không nên dùng các loại như lá hẹ, củ hành tây, bơ sữa sẽ gây cản trở tiêu hoá của trẻ.
  • Khi trẻ mắc bệnh thiếu máu thiếu sắt cần tăng cường các thức ăn, nước uống có nhiều sắt như rau muống, các loại đậu, trứng gà, vịt, chim, thịt nạc, gan động vật, tiết gà, tiết vịt… và các loại quả tươi có nhiều vitamin A, C như cam, quýt, táo, cà chua, cà rốt, gấc, dưa chuột, cải xanh… Không cho trẻ ăn nhiều mỡ động vật, trái cây có nhiều dầu, các chất cay nóng khó tiêu.



Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét